Tin tức
Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ KH&CN: Khoa học và Công nghệ, những dấu ấn đáng tự hào
17-05-2024 08:27:51
Mười năm trước, Chính phủ tổ chức công bố ngày Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam vào dịp 18/5/2014. Năm 2024, càng đặc biệt hơn khi Bộ KH&CN Việt Nam kỷ niệm 65 năm truyền thống của ngành. Ngày KH&CN hằng năm là dịp để xã hội tôn vinh những người làm khoa học cũng như giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi về các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), góp phần thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Đây cũng là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam; tuyên truyền cơ chế, chính sách, thu hút các cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt, tạo sức mạnh tổng hợp để KH&CN đóng góp hiệu quả cho phát triển đất nước.

Năm 1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL, ngày 04/03/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là cơ quan tiền thân của Bộ KH&CN Việt Nam. 65 năm qua, ngành KH&CN luôn đồng hành cùng cả nước trong chiến tranh giành độc lập, xây dựng đất nước, bảo vệ hòa bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ những ngày đầu, UBKHNN là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) theo đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển KH&KT, đưa nền KH&KT Việt Nam lên trình độ tiên tiến nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà (theo Nghị định 43-CP, ngày 04/04/1962 của Hội đồng Chính phủ ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của UBKHNN). UBKHNN đã ghi dấu ấn của các vị chủ nhiệm như đồng chí Trường Chinh (12/1958 - 7/1960), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (7/1960 - 01/1963), đồng chí Nguyễn Duy Trinh (01/1963 - 10/1965), Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1965 - 1975), ông Trần Quỳnh (3/1977 - 4/1980), ông Lê Khắc (5/1980 - 3/1982), Giáo sư - Viện sĩ Đặng Hữu (4/1982 - 9/1992) và các vị thành viên của UBKHNN như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn,… Để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 22/05/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 22-CP quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT). Theo đó, Bộ KH,CN&MT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tiêu chuẩn hoá, sở hữu công nghiệp và bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước. Từ năm 2002, Bộ KH&CN thành lập theo Nghị quyết số 02/2002/NQ-QH11 (ngày 05/8/2002) của Quốc hội khóa XI đến nay. Chức vụ Bộ trưởng lần lượt là các đồng chí: Giáo sư - Viện sĩ Đặng Hữu (từ tháng 10/1992 đến tháng 10/1996), TS. Phạm Gia Khiêm (từ tháng 11/1996 đến tháng 9/1997), Chu Tuấn Nhạ (từ tháng 10/1997 đến tháng 7/2002), PGS.TS. Hoàng Văn Phong (2002 - 2011), TS. Nguyễn Quân (2011 - 2016),… PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt (tháng 11/2020 đến nay).


Lãnh đạo tỉnh chúc mừng các trí thức, nhà khoa học của tỉnh Sóc Trăng trong lần đầu tiên tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2014. Ảnh minh họa

Trong kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước, KH&KT đã góp phần quan trọng trong sản xuất vũ khí, chăm sóc, điều trị thương bệnh binh và nhân dân, sản xuất lương thực; chiến tranh nhân dân, chiến thuật du kích đã đóng góp những vấn đề lý luận vô cùng quan trọng cho Khoa học quân sự của Việt Nam và thế giới. Thành tựu KH&KT thời kỳ này đã được tôn vinh qua các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN lần đầu tiên năm 1996 cho các công trình như: Một số vũ khí đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ (A12, DKB nối tầng, các loại vũ khí phá chướng ngại FR, thủy lôi APS), năm 1960 - 1972 của Viện Kỹ thuật Quân sự; Giáo sư Trần Đại Nghĩa (Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) với cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954; Giáo sư Tạ Quang Bửu với Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học kỹ thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với cụm công trình 34 công trình khoa học về phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam và Năm nguyên tắc của ngành Y tế nhân dân, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở - y tế nông thôn; Giáo sư Tôn Thất Tùng với công trình Phương pháp cắt gan khô Tôn Thất Tùng (1962); Giáo sư Đỗ Xuân Hợp với công trình Giải phẫu mô tả và Nhân Trắc học người Việt Nam (1950 - 1971); Giáo sư Đặng Văn Ngữ với công trình Điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam và Chế dung dịch Pênixilin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp (1958); Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trương Công Quyền với cụm tác phẩm Dược điển Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi với tác phẩm Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam…

Năm 1975, hòa bình lập lại, gần 50 năm qua, KH&CN nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc. Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ trong sản xuất nông nghiệp (nổi bật là công nghệ lai tạo giống lúa), công nghệ chế tạo, lắp ráp, nghiên cứu trong y sinh, khoa học cơ bản, tiếp cận nhiều công nghệ mới hiện đại… đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hoá Việt Nam. Khoa học tự nhiên có bước phát triển trong nghiên cứu cơ bản, tạo cơ sở cho việc hình thành một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đa ngành mới, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của khoa học cơ bản. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá và dịch vụ; cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; một số lĩnh vực đã tiếp cận trình độ tiên tiến khu vực và thế giới.

Tiêu biểu như các công trình đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN: Chọn tạo giống lúa chiêm xuân và hè thu năng xuất cao mở đầu phong trào thâm canh hạt 5 tấn lúa/ha ở miền Bắc Việt Nam năm 1955 - 1974 của Giáo sư, Bác sĩ Nông học Lương Định Của (đợt 1); công trình Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016 của Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự thực hiện (đợt 6); các công trình Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam; Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Kỹ sư Hoàng Đức Thảo với công trình Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (đợt 5); Công trình: Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (đợt 4)…

Tỉnh Sóc Trăng, khoa học kỹ thuật trước 30 tháng Tư năm 1975 chủ yếu phục vụ kháng chiến, xưởng công binh sản xuất vũ khí thô sơ phục vụ du kích và bộ đội địa phương. Sau ngày thống nhất đất nước, UBKHCN&MT tỉnh Hậu Giang đã có những đề tài ứng dụng cải tiến kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống các đề tài lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân. Chỉ sau 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, từ năm 1992 đến 2023, đã có trên 80 công trình nghiên cứu lịch sử truyền thống địa phương và các ngành (đề tài cấp tỉnh), hơn 150 đề tài lịch sử cấp xã; gần 200 công trình nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, bảo tồn văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học tự nhiên và kỹ thuật, nông nghiệp, y dược, môi trường… Các nhiệm vụ KH&CN đều tập trung, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các nhu cầu cấp thiết của tỉnh. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các đề tài khoa học xã hội và nhân văn đã đi sâu nghiên cứu về con người và vùng đất Sóc Trăng ở các lĩnh vực lịch sử, nghệ thuật tạo hình, tín ngưỡng, âm nhạc, lễ hội… nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là dân tộc Khmer, Hoa, đóng góp quan trọng cho khai thác, phát triển du lịch tỉnh nhà.

Tiêu biểu như công trình Lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh; nhóm nhiệm vụ về Artemia, hành tím, cây ăn trái; xây dựng mô hình du lịch, hệ thống tưới cây tự động và chiếu sáng công cộng dựa trên nền tảng IoT sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ xã nông thôn mới thông minh, hệ thống giám sát tự động ao nuôi tôm, ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP; sưu tầm các bài thuốc cổ truyền;  giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục STEM; các đề tài nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, lễ hội và sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer; kiến trúc đình, chùa của người Kinh; tín ngưỡng dân gian của người Hoa, các đề tài lịch sử địa phương, ngành… Đặc biệt vào năm 2021, công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016” được Chủ tịch Nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6, là vinh dự chung cho lúa gạo Sóc Trăng và cũng là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất các giống lúa, gạo thơm đặc sản có chất lượng, giá trị cao trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Sở hữu Trí tuệ, trước đây hầu như doanh nghiệp không quan tâm đến việc bảo hộ quyền Sở hữu tài sản trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tỉnh không có Bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, chưa có Chỉ dẫn Địa lý thì đến cuối năm 2023 tỉnh đã có hơn 1.100 đơn đăng ký và được bảo hộ hơn 620 đơn sở hữu công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; bảo hộ độc quyền giống cây trồng và quyền tác giả; 2 Chỉ dẫn Địa lý Vĩnh Châu được bảo hộ cho sản phẩm hành tím và Artemia.

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các doanh nghiệp KH&CN, các tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất, chất lượng đi vào thực chất có tác động đến sản phẩm hàng hóa địa phương, đáp ứng các yêu cầu trong tiến trình hội nhập quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đã góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong hệ thống cơ quan nhà nước phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.


 Công bố Chỉ dẫn Địa lý Vĩnh Châu cho sản phẩm Artemia

Trong giai đoạn tới, ngành KH&CN đứng trước nhiều thách thức và cơ hội của bối cảnh toàn cầu hóa; sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ mới; quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050,… Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về KH,CN&ĐMST; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ tám khoá XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; quán triệt Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 11/01/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tỉnh Sóc Trăng cần tập trung các nhóm giải pháp như sau,

Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KH,CN&ĐMST; đồng thời đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST tại địa phương.

Thứ hai, Tập trung nâng cao tiềm lực KH,CN&ĐMST; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của địa phương. Thông qua giải pháp đầu tư tăng cường năng lực tự chủ của các tổ chức KH&CN, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh của tỉnh Sóc Trăng phù hợp Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ ba, Tăng cường thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST địa phương. Thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phù hợp với địa phương. Hỗ trợ khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ danh nghiệp tham gia thực hiện các chương trình nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Điểm qua những mốc son của ngành trong những năm qua, để KH&CN phục vụ thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian tới, Ngày KH&CN hằng năm phải thật sự trở thành ngày hội của toàn dân. KH,CN&ĐMST cần phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: “Đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Vũ Hiếu Đông

Số lượt xem: 35
File đính kèm:
LIÊN KẾT WEB
LƯỢT TRUY CẬP
Truy cập hôm nay : 20
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 13154
Địa chỉ : 479 Lê Duẩn, Khóm 4, Phường 9, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299.3820115
Email: tcdlclst@gmail.com
CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG TỈNH SÓC TRĂNG