Quy trình sản xuất nghêu giống được cải tiến giúp cải thiện tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu từ khi ấu trùng xuống đáy đến khi đạt kích cỡ nghêu giống cấp 1, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho mô hình sản xuất giống nghêu.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Nghêu (Meretrix) được xem là đối tượng chủ lực cho nuôi thủy sản, bởi nó có giá trị kinh tế, sản lượng khai thác hàng năm cao, phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Trong tháng 8/2021, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn tăng mạnh (36,2%), đạt trên 13,2 triệu USD. Luỹ kế 8 tháng đầu năm xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 86,8 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nghêu là sản phẩm chủ lực, chiếm 72% giá trị, đạt 62,6 triệu USD trong 8 tháng; riêng trong tháng 8/2021 tăng mạnh 75% đạt 11,5 triệu USD. Ở Việt Nam, 10 địa phương đứng đầu về xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ (tháng 8/2021) bao gồm Thanh Hoá, Bến Tre, Nam Định, Bình Thuận, Thái Bình, Hải Phòng, Sóc Trăng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Tiền Giang, chiếm 97% kim ngạch. Trong đó, 3 doanh nghiệp lớn xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ với mặt hàng chính là nghêu.
Nghề nuôi nghêu phát triển mạnh trong những năm gần đây, nghêu đã trở thành đối tượng nuôi kinh tế của ngư dân vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khảo sát hiện trạng nghề sản xuất nghêu giống tại Cần Giờ (TP.HCM) và Bến Tre cho thấy, tại Cần Giờ do phát triển dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ mở rộng (với quy mô 2.870 ha) tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, đã làm cho diện tích các bãi nuôi nghêu bị giảm dần. Tuy nhiên nghề sản xuất giống nghêu lại ngày càng phát triển, trong 9 tháng đầu năm 2019, Cần Giờ đã xuất bán 22,3 tỷ con nghêu (cỡ 20 triệu con/kg) so với cùng kỳ đạt 217,56% về sản lượng nghêu (Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn TP.HCM, 2019). Nghề sản xuất nghêu giống ở Cần Giờ chủ yếu được tiến hành theo quy mô nhỏ lẻ, các hộ cơ sở sản xuất cá nhân, tập trung tại xã Lý Nhơn và Long Hòa. Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre sản xuất nghêu giống và nuôi nghêu thương phẩm được xây dựng và hình thành dưới dạng các hợp tác xã (HTX), tập trung chủ yếu ở 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, đây là các huyện ven biển có điều kiện phù hợp để nuôi nghêu thương phẩm đồng thời cũng là nơi có các bãi nghêu tự nhiên cung cấp nghêu bố mẹ và nghêu giống mùa nghịch. Hiện nay, nghêu giống sản xuất từ các tỉnh ĐBSCL và Cần Giờ chủ yếu cung cấp cho các HTX tại địa phương các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa,...
Tuy nhiên, tình hình sản xuất nghêu giống còn gặp nhiều khó khăn. Nghêu bố mẹ ở các trại giống từ Cần Giờ và Bến Tre có chất lượng và giá không ổn định, nguồn gốc vẫn phụ thuộc vào nghêu tự nhiên trong bãi nghêu tại Bến Tre, không chủ động được nguồn nghêu bố mẹ để tiến hành sản xuất nghêu giống. Tỷ lệ sống của ấu trùng xuống đáy ở cả Cần Giờ và Bến Tre vẫn thấp. Theo kết quả khảo sát, hầu hết các cơ sở sản xuất giống tại Cần Giờ đều sử dụng thức ăn trong ương nuôi ấu trùng nghêu là thức ăn tôm cà mịn kết hợp tảo khô. Tại Bến Tre, nguồn thức ăn cho nghêu giống là tảo tự nhiên trong ao, chưa được kiểm chứng thành phần chủng loại cũng như hàm lượng dinh dưỡng của tảo có đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng nghêu hay không, điều này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của nghêu giống.
Ngoài ra, tại Cần Giờ, quy trình sản xuất giống chưa ổn định, diện tích nuôi nghêu thương phẩm giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh và dự án du lịch biển. Để nghề nuôi nghêu đạt hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng, cần nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất giống nghêu phù hợp với điều kiện tại Cần Giờ.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình sản xuất giống nghêu (Meretrix lyrata, sowerby 1851) trong điều kiện Cần Giờ
1. Hạ tầng và thiết bị trại sản xuất giống
* Hạ tầng trại sản xuất giống:
- Cơ sở hạ tầng trại sản xuất nghêu giống gồm các hạng mục chính: ao lắng, ao chứa và xử lý nước thải; khu lưu giữ, sản xuất tảo thuần đơn bào; ao sản xuất tảo sinh khối tự nhiên; ao nuôi vỗ nghêu bố mẹ, ương nuôi ấu trùng.
- Ao chứa/ao lắng: có độ sâu 1,5m, diện tích 25% so với tổng diện tích trại sản xuất nghêu giống, bố trí gần nguồn cấp nước; dùng để lắng và chứa nước biển tối thiểu từ 5 - 7 ngày trước khi cấp vào hệ thống trại sản xuất.
- Ao xử lý nước thải: độ sâu 1,5 - 2,0m, diện tích 15% so với tổng diện tích trại sản xuất, được bố trí 5 ngăn nối tiếp, dùng để xử lý nước thải.
- Khu lưu giữ, sản xuất tảo thuần đơn bào: diện tích chiếm 2,0% tổng diện tích trại sản xuất giống. Tảo được lưu giữ và sản xuất sinh khối trong các bể nhựa tròn có thể tích 500 lít hoặc bình nhựa 20 lít.
- Ao sản xuất tảo sinh khối tự nhiên: diện tích từ 100 - 200m2, độ sâu 0,8 - 1,0m. Ao được bố trí 4 hàng đá khí, khoảng cách giữa mỗi đá khí 0,4 - 0,6m.
- Bể kích thích sinh sản nghêu: thể tích bể 1 – 5m3, độ sâu 1,0 - 1,2m, bố trí 4 đá khí đều nhau, sục khí.
- Bể nuôi vỗ bố mẹ: là bể composite có thể tích 5m3, độ sâu 1,2m, đáy được phủ lớp cát mịn (cỡ 0,04 - 0,06mm) dày 10 - 20cm. Bể được bố trí sục khí liên tục. Bể có mái che bán phần màu đen để giảm cường độ chiếu sáng trực tiếp khi cần thiết.
- Bể ương nuôi ấu trùng D-veliger và giống cấp 1: bể composite có thể tích 5m3, độ sâu 1,2m, đáy được phủ lớp cát mịn (cỡ 0,04 - 0,06mm) dày 1 - 2cm để ương giống. Bể được bố trí sục khí liên tục, có mái che bán phần màu đen để giảm cường độ chiếu sáng trực tiếp.
* Thiết bị, máy móc:
- Thiết bị, máy móc dùng trong sản xuất nghêu giống gồm: máy bơm nước, máy nén khí, bể lọc nước, thiết bị lọc nước, túi lọc nước, máy phát điện và vợt lọc ấu trùng.
- Máy bơm nước công suất 120m3/giờ: dùng bơm nước biển trực tiếp vào ao chứa, lắng.
- Máy bơm nước công suất 40m3/giờ: dùng bơm nước từ ao lắng lên bể lọc cát và các ao sản xuất.
- Máy nén khí công suất 3 - 5kw: dùng để cung cấp khí, tăng lượng ô xy hòa tan trong các ao.
- Thiết bị lọc nước: cỡ lọc 1, 2µm dùng để lọc nước lưu giữ tảo thuần và cỡ 5, 10µm dùng để lọc nước ương ấu trùng D-veliger.
- Túi lọc nước: cỡ lọc 5, 10, 20µm dùng để lọc nước ương ấu trùng D-veliger và giai đoạn đầu ấu trùng bò lê.
- Máy phát điện: công suất 12kw, dùng phát điện dự phòng.
- Vợt lọc ấu trùng: cỡ 45, 60, 80, 100, 150, 200, 500µm, dùng lọc, phân cỡ ấu trùng giai đoạn D-veliger, hậu ấu trùng bò lê.
2. Quy trình sản xuất giống nghêu
2.1. Sơ đồ quy trình
2.2. Diễn giải quy trình
* Chuẩn bị nước cho bể sinh sản và bể ương:
- Nước sử dụng cho ao ương và sinh sản được lấy từ kênh cấp, được xử lý bằng Chlorine nồng độ 30mg/L và sục khí liên tục trong thời gian 24 - 48 giờ. Sau đó, nước để lắng trong thời gian 24 giờ và được lọc qua bông gòn đưa vào bể chứa. Nước được kiểm tra hàm lượng Chlorine còn lại bằng thuốc thử Octolidin và trung hoà bằng Thiosulfate natri (Na2S2O3) nếu còn Chlorine trước khi sử dụng.
- Bể nuôi vỗ: bể 5 – 10m3, nền đáy bố trí trong bể hoặc ao có thể dày từ 10 - 20cm, mực nước từ 0,6 – 1m, độ mặn của bể nuôi vỗ duy trì từ 15 – 26‰, nhiệt độ dao động từ 25 - 32ºC.
- Bể sinh sản: nghêu bố mẹ được cho sinh sản trong bể có độ mặn từ 25 - 27‰, sục khí liên tục, mỗi dây sục khí cách nhau 0,6m, mực nước dao động từ 0,6 – 1m.
- Bể ương nuôi: bể composite có diện tích từ 1 – 5m3, bể được vệ sinh bằng Chlorine 200ppm 1 ngày, rửa sạch và cấp nước lọc qua túi lọc kích thước 100µm, độ mặn duy trì từ 15 – 25‰, nhiệt độ 25 - 32°C, sục khí liên tục trong quá trình ương.
* Nuôi vỗ nghêu bố mẹ:
- Chọn nghêu bố mẹ: nghêu được chọn làm bố mẹ phải ít nhất từ 18 tháng tuổi, có khối lượng từ 20g trở lên, chiều dài vỏ ít nhất khoảng 30mm, nghêu có gờ tăng trưởng thưa, vỏ không bị dập, vỡ.
- Thời gian nuôi vỗ từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm.
- Thức ăn sử dụng là hỗn hợp sinh khối tảo Nannochloropsis oculata, Chaetoceros calcitrans, cho ă