Chi tiết sản phẩm
Tên sản phẩm: MÔ HÌNH LAI TẠO GIỐNG KHỔ QUA NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG TỐT CHO KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Ngày tạo: 07-06-2022 10:39:44
Email:giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Đơn vị: Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Liên hệ: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
Số lượt xem: 121
Thông tin chi tiết

Mô hình này nhằm chọn tạo được giống khổ qua lai F1 có sự sinh trưởng tốt, năng suất cao và ít nhiễm bệnh, phù hợp với điều kiện vùng Đông Nam bộ. Cây khổ qua được trồng trên giá thể áp dụng tưới nhỏ giọt trong điều kiện nhà màng.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Khổ qua có tên khoa học Momordica charantia L., thuộc họ bầu bí (họ Cucurbitaceae), quả có vị đắng nên còn có tên gọi khác là mướp đắng (Đỗ Tất Lợi, 2004). Cây khổ qua được trồng phổ biến tại Việt Nam và một số quốc gia khác như Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc, các nước ở châu Phi, Tây Á và Mỹ La Tinh, góp phần mang lại thu nhập cho nông dân. Sản phẩm từ cây khổ qua được sử dụng làm thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày và được chế biến thành các loại thực phẩm chức năng như trà thảo dược có lợi cho sức khỏe.

Tại Việt Nam, thị hiếu tiêu dùng từng vùng cũng có sự khác nhau như vùng Tây Nguyên ưa chuộng dòng khổ qua có dạng quả dài, có màu sắc quả từ xanh nhạt đến xanh. Đối với vùng Đông Nam bộ, chọn giống lai F1 có chiều dài quả trung bình, dạng quả thuôn, màu xanh nhạt, thịt dày có vị đắng ít và sức sinh trưởng mạnh, ít bị bệnh phấn trắng, trồng quanh năm.

Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao đã tiến hành thu thập và đánh giá đa dạng di truyền tập đoàn khổ qua (Momordica charantia L.) từ nguồn các giống F1 và các giống khổ tại địa phương; đánh giá, chọn tạo dòng thuần phục vụ trong công tác lai tạo giống khổ qua. Kết quả đã chọn được giống khổ qua F1 CNC 3 có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao và ít nhiễm bệnh, phù hợp với điều kiện phát triển tại vùng Đông Nam bộ.

Quy trình và phương pháp thực hiện

* Các điều kiện chung:

Các thí nghiệm nghiên cứu trên cây khổ qua được tiến hành trong điều kiện nhà màng (mái nhà được lợp bằng màng polyethylen, xung quanh che bằng lưới chắn côn trùng). Cây khổ qua được trồng trên hỗn hợp giá thể mụn dừa (80%), phân trùn quế (20%). Giá thể mụn dừa được xử lý trước khi trồng, phân trùn quế có độ ẩm 65%. Nước và dinh dưỡng được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình trồng cây khổ qua.

* Chọn tạo dòng thuần đến hệ hệ I7

- Vật liệu:

+ Các dòng khổ qua và các tổ hợp lai triển vọng được chọn lọc từ kết quả nghiên cứu giai đoạn 2016 - 2020.

+ Một số vật tư thí nghiệm khác: giá thể, phân bón và một số vật tư thí nghiệm khác.

- Phương pháp tiến hành:

+ Phương pháp tạo dòng thuần: dòng khổ qua được chọn tạo dòng thuần bằng phương pháp tự thụ phấn cưỡng bức kết hợp với chọn lọc cá thể.

+ Đánh giá khả năng kết hợp chung: sử dụng phương pháp lai đỉnh (Topcross) để đánh giá khả năng phối hợp chung.

+ Đánh giá khả năng kết hợp riêng: đánh giá khả năng kết hợp riêng (SCA) bằng cách sử dụng hệ thống lai Dialen, sơ đồ Griffing 4.

+ Đánh giá khảo nghiệm các tổ hợp lai khổ qua ưu tú: tiến hành bố trí thí nghiệm kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (RCD). Cây khổ qua được trồng trên giá thể trong điều kiện nhà màng, nước và phân bón được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

* Quy trình kỹ thuật trồng khổ qua:

a. Chuẩn bị cây con:

Sử dụng khay ươm cây để gieo hạt. Khay ươm thường làm bằng vật liệu mút xốp, có kích thước dài 50cm, rộng 35cm, cao 5cm (có 50 lỗ/khay).

Sử dụng mụn xơ dừa, tro trấu và phân trùn quế để làm giá thể gieo hạt với tỷ lệ 80% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu.

Mụn xơ dừa: phải xử lý chất chát (tanin) trước khi trồng. Mụn xơ dừa được xử lý chất chát bằng cách cho vào bồn chứa sau đó bơm nước vào, sáng bơm chiều xả cho đến khi nước xả ra không còn màu nâu (thường khoảng 7 ngày).

Khay xốp để ươm cây con kích thước khay 30 cm x 50 cm x 15 cm (50 lỗ).

Giá thể ươm cây

Cây khổ qua 8 ngày sau gieo

b. Chuẩn bị giá thể trồng:

Giá thể tương tự như giá thể gieo ươm cây con. Giá thể phải đảm bảo độ sạch (không nhiễm sâu bệnh hại, vi sinh vật, cỏ dại), độ thông thoáng, không dí chặt và đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Giá thể sau khi xử lý được cho vào các túi nilon để trồng. Giá thể trước khi trồng được phân tích các thành phần dinh dưỡng, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.

Hồ xử lý mụn xơ dừa

Mụn xơ dừa sau khi xử lý tannin

c. Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt:

- Kiểu lắp đặt và bố trí hệ thống tưới: trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc và bộ định giờ (timer và van từ).

- Kiểu trồng bằng túi nilon: sử dụng loại dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60cm, đường kính 4mm; dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống dẫn dinh dưỡng theo hàng với đường kính ống là phi 16. Bố trí mỗi hàng là 1 đường dây dẫn, mỗi bầu nilon cắm 1 dây tưới nhỏ giọt nên số lượng dây tưới tương đương với số lượng bầu nilon.

d. Trồng:

- Trồng cây bằng bầu nilon với kích thước bọc 40 x 40cm (tương đương thể tích bầu là 40dm3); bọc màu trắng và đục lỗ ở dưới đáy túi; trồng 1 cây/bọc và trồng theo hàng đơn, khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 150cm, khoảng cách giữa 2 cây trên một hàng là 100cm.

- Thời điểm trồng: trồng vào lúc trời mát là tốt nhất và chọn cây phải đồng đều, cây khỏe mạnh, xanh tốt, không sâu bệnh hại.

Cây khổ qua sau 40 ngày trồng

e. Chế độ dinh dưỡng:

- Nưới tưới: sử dụng nguồn nước sạch, pH nước tốt nhất từ 6.0 - 7.0. Có thể sử dụng nước giếng khoan hay nước sông không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.

- Chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với cây trồng trên giá thể trong nhà màng. Đây là quy trình trồng trên giá thể nên các yếu tố đa vi lượng phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.

- Loại phân bón sử dụng: các loại như Mg(NO3)2, MgSO4, K2SO4, (NH4)2SO4, Ure, KH2PO4, Ca(NO3)2 thường được hòa tan vào nước thành dung dịch dinh dưỡng tưới cây. Trong các loại phân này phải đảm bảo chứa đủ các nguyên tố cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Đó là K, N, P, S, Ca, Mg. Đa số các loại phân bón này là phân vô cơ, dễ tan trong nước, chúng thường ở dạng rắn.

- Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt.

Liều lượng các chất dinh dưỡng sử dụng cho cây khổ qua như sau:

Nồng độ phân vi lượng bổ sung: B (0,3 – 0,5ppm); Mn (0,3ppm); Fe (2 - 3ppm); Mo (0,05ppm); Cu (0,1 – 0,5ppm); Zn (0,3ppm).

f. Chăm sóc:

- Làm giàn: cây sau khi trồng 7 ngày thì có thể làm giàn lưới cho cây, sử dụng lưới làm giàn cho cây bầu bí. Lưới làm giàn leo được làm bằng sợi cước nhựa nguyên sinh, sợi 1mm, lưới được tết sẵn thành ô vuông 20 x 20cm, căng lên, cố định buộc các góc giàn cho cây khổ qua leo lên giàn và ra trái.

- Thụ phấn:

+ Thụ phấn bằng ong: sử dụng ong mật để thụ phấn, lượng ong thả vào vườn 1000m2 là 2 tổ, mỗi tổ 4 cầu, bắt đầu thả ong khi cây xuất hiện hoa cái đầu tiên (tương đương khoảng 20 - 25 ngày sau trồng). Thả vào lúc mát mẻ.

+ Thụ phấn bằng thủ công: do con người thực hiện, khi cây xuất hiện hoa cái thì tiến hành thụ phấn, sử dụng phấn hoa đực để chụp lên đầu nhụy hoa cái, thụ phấn trước 9 giờ sáng, tiến hành thụ phấn liên lục.

* Một số loại sâu bệnh hại:

a. Sâu hại:

- Sâu xanh hai sọc trắng (Diaphania sp.):

+ Gây hại từ khi còn nhỏ đến khi có trái, nhiều nhất là giai đoạn còn nhỏ. Đặc tính khi bướm đậu xếp cánh hình tam giác có vệt màu trắng ở giữa, mép cánh có màu nâu đen. Sâu non có màu lá cây nhạt, trên lưng có 2 sọc trắng chạy dọc cơ thể, sâu non thường cuốn một hoặc hai lá lại với nhau. Sâu non ăn lá nếu mật độ cao chúng có thể ăn trụi cả lá chỉ chừa lại gân lá, ngoài ra chúng có thể ăn cả vỏ trái non làm giảm đến năng suất và phẩm chất của trái. Có thể dùng tay bắt sâu, hoặc dùng thuốc hóa học.

+ Phòng trừ: khi sâu xuất hiện nhiều dùng thuốc có hoạt chất như Emamectin benzoate (Mikmire 7.9EC), các loại chế phẩm vi sinh V-Bt, Biocin, Dipel,…

- Sâu khoang (Spodoptera litura):

+ Ngài của sâu khoang đẻ trứng thành từng ổ, thường đẻ dưới mặt lá. Sâu non tuổi nhỏ thường gây hại nghiêm trọng nhất bởi vì hàng trăm con sâu non tập trung lại ăn lá cây và nhanh chóng làm lá cây xơ xác. Sâu non còn có thể gặm ăn vỏ quả làm giảm phẩm chất.

+ Phòng trừ: cần phát hiện sớm, bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng và ổ sâu non mới nở. Khi cần thiết mới phun thuốc. Dùng các loại thuốc ít độc như nhóm Abamectin (Abamectin, Abatin 1.8 EC, Silsau 3.6 EC…); các loại chế phẩm vi sinh V-Bt; Biocin, Dipel; có nguồn gốc NPV như Vicin, hoặc thuốc thảo mộc như Rotenone hoặc Neem.

b. Bệnh hại:

- Bệnh sương mai (Pseudoperonospora cupensis):

+ Triệu chứng: bệnh phát sinh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, nhưng phổ biến nhất là trên lá. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá thường có góc cạnh và bị giới hạn bởi các gân lá. Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (mưa phùn, nhiệt độ tương đối thấp), quan sát mặt dưới lá, chỗ vết bệnh thường thấy một lớp nấm mọc thưa, màu trắng xám, bệnh nặng gây rách các mô tế bào, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu, toàn lá héo khô và chết. Nguồn bệnh tồn tại trong lá và tàn dư cây bệnh.

+ Phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng, kết hợp với việc ngắt bỏ bớt lá già, lá sâu bệnh, dọn sạch cỏ dại trong luống dưa và tỉa bỏ bớt các chồi phía trên để tạo thông thoáng. Có thể dùng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện như Aliette 80 WG, Diconil 75 WP.

- Bệnh phấn trắng (do nấm Erysiphe cichoracearum):

+ Triệu chứng gây bệnh: bệnh hại chủ yếu trên lá, đôi khi xuất hiện trên cuống lá và thân. Trên lá vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ màu xanh xám, sau lớn dần không có hình dạng rõ rệt, trên mặt vết bệnh lúc đầu có lớp phấn trắng, sau chuyển màu xám và có những hạt nhỏ màu đen. Lá bị bệnh sớm vàng, khô và rụng.

+ Phòng trừ: chọn giống kháng bệnh, bón phân cân đối, chú ý bón kali. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh đem tiêu huỷ. Hạn chế bón phân đạm khi bệnh xuất hiện. Dùng các loại thuốc sau: Anvil 5SC, Score 250EC, Macozed,... để phun khi cây chớm bị bệnh.

- Bệnh đốm lá (Alternaria sp.):

+ Triệu chứng gây hại: vết bệnh thường xuất hiện từ mép lá, màu xám nâu, hoặc xám đen hình tròn, hoặc bất định, xung quanh vết bệnh có quầng vàng rộng. Sau đó, từ mép lá, chóp lá, vết bệnh lan vào phiến lá làm lá thối đen và rụng. Nấm bệnh tồn tại trên tàn dư lá bệnh và trên hạt giống ở dạng sợi nấm và bào tử phân sinh. Bào tử phân sinh lan truyền nhờ gió, nước mưa, nước tưới, côn trùng, dụng cụ và con người qua quá trình chăm sóc.

+ Phòng trừ: thường xuyên cắt tỉa lá già, lá bị bệnh, tưới nước vừa phải , lên luống cao tránh để ứ đọng nước. Khi bệnh chớm phát sinh cần phun thuốc phòng trừ kịp thời, có thể phun dung dịch Zinep 80WP nồng độ 0,4%, Rovral 50% nồng độ 0,1- 0,2%,...

- Vệ sinh nhà màng sau khi thu hoạch: mục đích hạn chế sâu bệnh cho vụ sau. Tiến hành phun xịt toàn bộ nhà lưới sau mỗi vụ trồng. Sử dụng một số loại thuốc như Chlorin, TH4, BKC,…

* Thu hoạch:

Tùy theo giống mà thời gian bắt đầu thu hoạch khác nhau, các giống khổ qua ngắn ngày thì sau khi trồng 35 - 38 ngày sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Quả khổ qua giống CNC03 sau khi thu hoạch.

Ưu điểm của công nghệ

Mô hình đã nghiên cứu lai tạo được 1 giống khổ qua F1 là giống khổ qua lai F1 CNC03. Giống có thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch là 30,6 – 33,8 ngày; thời gian sinh trưởng từ 110 – 120 ngày sau trồng. Quả hình thuôn, có chiều dài quả trung bình từ 14,8 – 16,2cm, khối lượng quả trung bình 130,5 – 135,3g/quả. Năng suất đạt 40,0 - 44,6 tấn/ha. Nhiễm nhẹ các bệnh phấn trắng (Erysiphe cichoarcearum) bệnh sương mai (Pseudoperonospora cubensis).

Giống khổ qua mới tương đương với các giống khổ qua nhập nội đang phổ biến trên thị trường về năng suất và chất lượng. Việc lai tạo giống mới thành công giúp tạo được nguồn cung hạt giống chủ động trong nước, cung cấp hạt giống chất lượng cho thị trường. Các giống khổ qua mới lai tạo cũng đạt tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) và đang tiến hành khảo nghiệm ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Kết quả của mô hình cũng góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn TP.HCM.

Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) để sẵn sàng chuyển giao mô hình cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.

Thông tin chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Trần Văn Lâm

Điện thoại: 0945284808. Email: tranvanlamcnc@gmail.com

2. KS Tô Thị Thùy Trinh

Điện thoại: 3333813981. Email: trinhtocnc@gmail.com

3. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: (028) 6886 2726

4. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ

Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM

Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957

Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn

Lam Vân

(Sưu tầm từ nguồn: http://techport.vn/)

Sản phẩm cùng loại
Địa chỉ : 479 Lê Duẩn, Khóm 4, Phường 9, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299.3820115
Email: tcdlclst@gmail.com
CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG TỈNH SÓC TRĂNG